Hiện tại, vấn đề trọng tâm mà nền giáo dục âm nhạc cần đối diện: làm thế nào để phát huy và khẳng định vai trò của giáo dục âm nhạc trong giáo dục toàn diện? góp phần bồi dưỡng con người mới của thời đại mới như thế nào?
Hiện tại, vấn đề trọng tâm mà nền giáo dục âm nhạc cần đối diện: làm thế nào để phát huy và khẳng định vai trò của giáo dục âm nhạc trong giáo dục toàn diện? góp phần bồi dưỡng con người mới của thời đại mới như thế nào?
I. Thiết lập quan niệm mới và cải tiến giáo dục âm nhạc
Từ thập niên 70 thể kỷ 20, nước Mỹ đã bắt đầu thực hiện ý tưởng giáo dục kiểu mới với tên gọi “DBAE”. DBAE là tên gọi tắt của “Discipline Based Art Education” nghĩa là giáo dục nghệ thuật tổng hợp toàn diện. Đó là một hình thức dùng các bộ môn nghệ thuât làm nền tảng, kết hợp và sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến, tạo cho học sinh một môi trường học tập vui tươi, thoải mái; xây dựng không khí học tập tự chủ, hợp tác và bình đẳng thảo luận. Những học sinh được giáo dục theo phương pháp này, sẽ được phát huy tối đa cá tính và sức sáng tạo. Có thể nhận thấy tính độc đáo trong nền giáo dục của nước Mỹ thông qua những thành tựu khoa học kỹ thuật và sự phát triển của nền kinh tế hiện tại.
Ngoài ra, định hướng giáo dục của các nước phương Tây cũng là một gợi ý tốt cho nền giáo dục âm nhạc nước ta. Dựa trên thực trạng giáo dục của nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng, có thể tiến hành cải cách và đẩy mạnh công tác giáo dục âm nhạc trên những phương diện sau:
1. Đổi mới quan niệm giáo dục.
Học tốt các khối A (Toán Lý Hóa), khối B (Toán Hóa Sinh), khối C (Văn Sử Địa) khối D (Toán Văn Anh)… là một khái niệm “đầu tư” quen thuộc của hầu hết các bậc phụ huynh cho con em mình, trọng tâm đề cao giáo dục kiến thức cơ bản, còn trong hình thức giáo dục “DBAE” lại đề cao giáo dục “kiến thức ẩn tính”. “Kiến thức ẩn tính” chỉ những đặc tính cá thể của học sinh như: kinh nghiệm, linh cảm, trực giác, cảm giác, khả năng nhận thức, hiểu nhanh v.v. Những khiến thức đó không thể lượng hóa, mã hoá… nhưng lại có mối liên quan trực tiếp với khả năng sáng tạo của con người. Trong thời đại mà linh hồn của “kiến thức kinh tế” (lấy kiến thức làm cơ sở của kinh tế) là tư duy và khả năng sáng tạo thì loại hình kiến thức này trở nên vô cùng cần thiết. Vì vậy, không thể liệt nghệ thuật âm nhạc vào trong danh sách “ba môn phụ” (gồm có: âm nhạc, thể dục, mỹ thuật) mà coi nhẹ môn học này được nữa.
2. Đặt ra mục tiêu mới cho giáo dục âm nhạc.
Cần xác định rõ mục đích của giáo dục âm nhạc khi đưa môn học này vào các trường phổ thông. Mục đích giảng dạy âm nhạc tại các trường phổ thông và các Nhạc viện, các trường văn hoá nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng không phải là học sinh (HS) học được bao nhiêu kỹ năng, bao nhiêu kiến thức lý luận âm nhạc, mà là để HS có được những kỹ năng cơ bản để thích nghi với mọi môi trường âm nhạc, tiếp cận có chọn lựa, hiểu thế nào là thẩm mỹ âm nhạc, thể hiện nét đẹp trong hành vi.
3. Chú trọng vai trò của thực hành nghệ thuật âm nhạc.
Trong xã hội hiện tại, rất khó để có được kinh nghiệm thông qua thể nghiệm của bản thân. Hiện trạng đó ảnh hưởng bởi sự phát triển chóng mặt của các phương tiện thông tin. Bởi những kinh nghiệm mà các phương tiện đó cung cấp đều là kinh nghiệm gián tiếp, do vậy trong phương diện này tác dụng của thực tiễn nghệ thuật trong giáo dục âm nhạc càng trở nên quan trọng. Thực tiễn nghệ thuật là một hoạt động đề cao khả năng sáng tạo, giúp HS có cơ hội thể hiện và thực hiện ý tưởng của bản thân, được thể nghiệm âm nhạc theo nhiều phương diện, nhiều tầng lớp, từ đó phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.
4. Xác lập phương pháp giảng dạy mới
Quan điểm giáo dục duy vật biện chứng cho chúng ta thấy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện thì giáo viên buộc phải thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống, hình thành phương pháp giảng dạy theo tiêu chí: giáo viên là chủ thể hữu hạn, để học sinh biết rằng, kiến thức của thầy cô cũng chỉ có hạn, thầy cô không phải là hóa thân của chân lý. Mục đích là để học sinh có nhận thức chủ thể về tinh thần phê bình và tự phê bình, từ đó hình thành thói quen học tập trong môi trường sáng tạo. Giáo viên trở thành người hướng dẫn học tập thay vì truyền đạt kiến thức.
II. Triển khai giáo dục âm nhạc đa nguyên hóa
Đề cao văn hóa đa nguyên là yêu cầu cơ bản đối với tố chất nhân văn của thời đại mới. Vì vậy, nền văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam và âm nhạc cổ điển phương Tây vẫn là nội dung giảng dạy âm nhạc trong nhà trường.
1. Nội dung giảng dạy
Cần hướng cho HS tìm hiểu về những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của âm nhạc Việt Nam và phương Tây. Trước mắt, bên cạnh môn thưởng thức âm nhạc phương Tây, trong nhà trường cần có bộ giáo trình hoàn chỉnh về thưởng thức âm nhạc Việt Nam, nhanh chóng hình thành một hệ thống giảng dạy thật khoa học đúng với những đặc điểm của nó.
Mặc dù lịch sử hình thành nhạc Giao hưởng và Thính phòng của Việt Nam muộn hơn so với phương Tây, nhưng nền văn hoá âm nhạc dân gian đã được hình thành trong bối cảnh lịch sử lâu đời và vô cùng đặc sắc của nước ta, nếu được truyền dạy một cách khoa học thì việc khích lệ HS yêu thích nghệ thuật truyền thống Việt Nam chắc chắn không thua kém so với âm nhạc phương Tây. Nghệ thuật Chèo, Ca Huế, Đàn ca tài tử – Cải lương, các hình thức sinh hoạt âm nhạc độc đáo khác như Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, âm nhạc nghi lễ, âm nhạc Cung đình, âm nhạc của các dân tộc thiểu số… đều là nguồn tài nguyên phong phú của văn hóa âm nhạc nước ta. Vì vậy, quá trình giảng dạy không nên mang tính cục diện mà cần thể hiện được tư tưởng giáo dục đa nguyên hóa.
2. Đa nguyên hóa
Cần thể hiện tính đa nguyên hóa. Trước tiên, trong việc giảng dạy, ngoài những giáo viên âm nhạc cơ hữu của nhà trường, nên thường xuyên mời giảng viên ngoài trường hoặc nếu có điều kiện có thể mời thêm chuyên gia nước ngoài về giảng dạy. Ngoài các tiết học trong giờ chính quy, còn cần mở các lớp ngoại khoá theo đặc thù sở trường của học sinh. Tiếo theo, ngoài các tiết học về lý thuyết âm nhạc, thưởng thức âm nhạc, nên mở thêm những lớp hợp xướng, hoà tấu những tác phẩm kinh điển, và các tiết học thực hành âm nhạc phù hợp với mọi đối tượng học sinh (chứ không chỉ là một bộ phận nhỏ sinh hoạt trong các đội văn nghệ); Lịch sử âm nhạc Việt Nam và phương Tây là một môn học mang nhiều yếu tố văn hóa, khi học sinh nắm được một số kiến thức lịch sử âm nhạc, thì sẽ cảm nhận các tác phẩm âm nhạc một cách sâu sắc hơn, văn hóa âm nhạc cũng dần đạt được tầm cao nhất định.
Cuối cùng, cùng với sự phát triển của giáo dục âm nhạc trong các trường phổ thông, khả năng cảm thụ và trình độ âm nhạc của HS cũng từ đó mà được cải thiện. Đây cũng là động lực thúc đẩy đội ngũ giáo viên âm nhạc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhập thông tin mới mang tính thời đại, bổ sung lượng kiến thức tổng hợp cần thiết như ngoại ngữ, tin học… để từ đó tăng thêm chất lượng giảng dạy.
Tiến sỹ âm nhạc học Nguyễn Thanh Hà
G.V Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh