Mặt trận sáng tác ca khúc thiếu nhi đang gần như bị bỏ quên
Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các nhạc sĩ (NS) và đại diện ban giám đốc, phụ trách chuyên môn 24 NTN quận, huyện. Có 18 tham luận và 13 ý kiến đóng góp thiết thực cho công tác định hướng hoạt động sáng tác, quảng bá, đưa sản phẩm âm nhạc đến với trẻ thơ.
Nhường thị trường cho âm nhạc người lớn
NS Trương Quang Lục khẳng định: “Từ trẻ em đến người già, ai cũng cần âm nhạc để giải trí. Trong quá khứ, hoạt động ca múa nhạc thiếu nhi đã giúp nhiều ca sĩ trưởng thành và thành danh, góp sức cho hoạt động phát triển âm nhạc tại TPHCM. Bên cạnh những sáng tác có lồng ghép tính giáo dục, còn có hàng loạt bài ca có ca từ và nội dung đơn giản, dễ hiểu, mang tính giải trí cao, phù hợp lứa tuổi thiếu nhi, giúp các em dễ cảm, dễ hiểu, dễ thuộc”.
TPHCM được xem là cái nôi sản xuất âm nhạc, trong đó có âm nhạc thiếu nhi nhiều nhất nước. “Nhưng sau năm 2000 đến nay, lĩnh vực sáng tác âm nhạc thiếu nhi đi xuống thấy rõ. Âm nhạc thiếu nhi nhường thị trường cho âm nhạc người lớn. Năm 2003, bùng nổ internet, kênh YouTube, làn sóng âm nhạc Hàn Quốc xâm chiếm thị trường, các kênh giải trí thiếu nhi nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam. Nhiều game show thiếu nhi được đầu tư hoành tráng, nhưng các ca khúc được trình diễn toàn của người lớn, nhà sản xuất chỉ nhắm đến mục đích lôi kéo người xem, thu hút quảng cáo… Còn các liên hoan, hội thi văn nghệ thiếu nhi, cũng chỉ có phụ huynh xem con mình hát”, NS trẻ Bảo Huy trăn trở.
Thực tế, mặt trận sáng tác ca khúc thiếu nhi gần như bị bỏ quên đã khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng những ca khúc âm nhạc mới, chất lượng, dành cho trẻ thơ. Ở trường học, học sinh chỉ được học những tác phẩm âm nhạc cũ. Các hội thi hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi cũng sử dụng chủ yếu những sáng tác có vài chục năm tuổi. NS trẻ chỉ “mặn” sáng tác nhạc người lớn, não tình; NS tâm huyết với nhạc thiếu nhi lại không tìm được đầu ra cho tác phẩm, không có chi phí để đầu tư, ra mắt sáng tác mới. Thế nên, không ít ca khúc ra đời cũng chỉ nằm trên giấy và cất tủ. Một số NS không theo kịp tư duy phát triển của đời sống con trẻ hôm nay nên ca khúc không thể lan tỏa. Trong khi đó, các đơn vị NTN quận, huyện luôn có nhu cầu sử dụng ca khúc mới, nhưng kinh phí lại hạn hẹp, không thể đặt hàng sáng tác…
NS Lê Vinh Phúc (NTN quận 3) bức xúc: “Thời gian phát sóng nhạc thiếu nhi trên các kênh truyền hình toàn vào thời điểm không thuận lợi (lúc các em đang đi học). Các chương trình thiếu nhi ngày một teo tóp, giờ vàng ca nhạc thiếu nhi đã mất từ lâu. Nhà đài chỉ lo chạy theo doanh thu và quảng cáo, thể hiện sự thiếu quan tâm của lãnh đạo đài với vấn đề giáo dục thiếu nhi bằng âm nhạc. Những tác phẩm được các thầy cô dàn dựng cho các liên hoan, hội thi, sau một lần diễn thì xếp xó. Các NTN ao ước các chương trình dàn dựng được phát sóng trên đài truyền hình để quảng bá cho âm nhạc thiếu nhi, để phát huy tốt nhất về vật chất, tinh thần và sự sáng tạo, nhưng quá khó… Tôi cảm thấy rất bức xúc khi các bé còn nhỏ lại hát những giai điệu não tình, phản cảm với chức năng giáo dục âm nhạc cho tuổi thơ”.
Thay đổi tư duy, chú trọng giải pháp
NS Nguyễn Hòa nhận định: “Sáng tác ca khúc thiếu nhi không hề dễ. NS viết nhạc thiếu nhi cần phải viết bằng cái tâm, tư duy mới về đề tài, thể hiện sự gần gũi, giản dị, không nên đặt nặng giá trị đồng tiền. Trước khi giáo dục điều lớn lao, nên bắt đầu giáo dục các em từ những vấn đề đơn giản, nhỏ nhất”.
Thực tế, nhiều NS gặp không ít khó khăn về chuyên môn trong việc chuyển tải tư duy con trẻ, tìm kiếm ca từ đẹp mang hơi thở thời đại, gần gũi đời sống tinh thần trẻ em. NS Nguyễn Văn Chung bộc bạch: “Để có được sản phẩm Tập sách nhạc 100 ca khúc thiếu nhi, tôi đã bỏ ra 3 năm làm việc cật lực, chịu khó chuyện trò, quan tâm các con, nắm bắt tư duy, suy nghĩ, tâm tình của các con, tự cảm nhận, lắng lại và viết. Sau đó đầu tư vài trăm triệu đồng để thực hiện, tự tổ chức giao lưu và tặng tập sách nhạc đến 60 trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Theo tôi, mỗi NS, nhất là NS trẻ, phải tự ý thức, viết nhạc thiếu nhi là trách nhiệm, để giáo dục âm nhạc cho các con”.
NS Nguyễn Văn Chung kiến nghị: “Hội Âm nhạc nên có nhiều đợt vận động sáng tác bài hát thiếu nhi… UBND TPHCM nên hỗ trợ thêm kinh phí thường xuyên và lâu dài cho các NS để thúc đẩy việc đầu tư tác phẩm. Sau mỗi đợt sáng tác phải có sản xuất, tổ chức đêm nhạc giới thiệu tác phẩm, tác giả. Tác phẩm âm nhạc thiếu nhi phải được đầu tư cả về nghe và nhìn, phổ biến rộng rãi trên mạng để đạt hiệu quả cao hơn. Bộ Giáo dục – Đào tạo cần phối hợp với hội chuyên ngành để đưa những sáng tác chất lượng vào giảng dạy trong nhà trường…”.
NS Đinh Hoàng Vũ (NTN quận 6) đã làm một cuộc khảo sát với hơn chục NTN quận huyện. Anh đặt vấn đề về việc sử dụng ca khúc mới trong hoạt động chuyên môn, xác định nhu cầu thưởng thức âm nhạc của thiếu nhi hiện nay, thành lập thư viện ca khúc thiếu nhi, liên kết giữa các NTN và Hội Âm nhạc TPHCM, vai trò nhịp cầu nối của NTN TPHCM… để thấy rõ hơn quan điểm, nhu cầu thực sự của các NTN.
Để có những sự thay đổi hiệu quả, phụ huynh và nhà trường cũng cần phải hành động để góp phần giáo dục âm nhạc cho con trẻ: thay đổi nội dung giáo dục âm nhạc trong sách giáo khoa, xây dựng giờ học âm nhạc thiếu nhi tích cực, giới thiệu những sáng tác phù hợp lứa tuổi; học nhạc, hát nhạc sẽ giúp hình thành nhân cách, tình cảm của các em; phụ huynh nên thể hiện vai trò, nhận thức và định hướng đối với thị hiếu thưởng thức và giải trí âm nhạc của con trẻ tại nhà.
Phó Giáo sư – NS Thế Bảo nhận định: “Cơ quan chức năng phải xây dựng một kho tư liệu công nghệ thông tin để mọi người có thể truy cập, tìm được các sáng tác thiếu nhi từ thời chống Pháp, chống Mỹ, đến hiện đại… và cũng cần có một kênh âm nhạc truyền hình Việt 24/24 dành riêng cho thiếu nhi để tạo sự tác động và thay đổi đời sống âm nhạc thiếu nhi hiện nay”. Ông đề xuất: Với các chương trình văn nghệ, tại sao không mời ca sĩ nổi tiếng hát nhạc thiếu nhi để thu hút các em nghe, xem, tiếp cận, giúp ca khúc thiếu nhi mới được lan tỏa rộng hơn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM Nguyễn Ngọc Nhung nhìn nhận: “Thời gian qua, từ đài truyền hình, hội âm nhạc, hội đồng đội, NTN… đã thiếu sự gắn kết, thiếu định hướng trong công tác phối kết hợp cùng làm vì các em. Hội thảo hôm nay đã dành cho thiếu nhi cả tình yêu thương và sự quan tâm. Sau hội thảo, Hội đồng Đội sẽ cùng ngồi lại với Hội Âm nhạc và NTN TPHCM để tìm hiểu, lắng nghe nhu cầu thưởng thức âm nhạc của chính các em”.
Như vậy, cần thiết phải có bàn tay của nhà chỉ huy mang tính tổng thể. Ngoài ca khúc thiếu nhi, vẫn cần sự quan tâm đến mảng nhạc sinh hoạt thiếu nhi, nhạc đội, nhạc ca múa, nhạc ca cảnh… dành cho thiếu nhi. Trên thực tiễn, các em vẫn đang “đói” nhiều thứ và cần được đáp ứng sớm chừng nào tốt chừng đó. Chỉ tiếc là hội thảo lần này không có sự tham dự của Sở GD-ĐT TPHCM – một kênh chính thống, cũng như đài truyền hình – kênh tuyên truyền và quảng bá ca khúc thiếu nhi từng đạt hiệu quả rất thiết thực trong quá khứ!